Liên kết web
Thăm dò

null Xuất nhập khẩu từ 03-06/01/2023

Tin trong nước
Thứ hai, 09/01/2023, 15:54
Màu chữ Cỡ chữ
Xuất nhập khẩu từ 03-06/01/2023

Nhập khẩu rau quả 10 tháng năm 2022 tăng 39,8%

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, cả nước chi trên 1,63 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, riêng tháng 10/2022 nhập khẩu nhóm hàng rau quả tăng 5,7% so với tháng 9/2022 và tăng rất mạnh 68,9% so với tháng 10/2021, đạt 214,77 triệu USD.

Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 39,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, với kim ngạch 665,1 triệu USD, tăng mạnh 83,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu lớn của mặt hàng rau quả như: Mỹ với kim ngạch 280,03 triệu USD, chiếm 16,7%, tăng 13,6%; Australia 140,23 triệu USD, chiếm 8,4%, tăng 17%; New Zealand 117,34 triệu USD, chiếm 7%, tăng 33,1%; Myanmar 90,05 triệu USD, chiếm 5,4%, tăng 2,7%; Nam Phi 57,01 triệu USD, chiếm 3,4%, tăng 68,8%; Campuchia 48,7 triệu USD, chiếm 2,9%, tăng 41,5%…

Nhập khẩu rau quả từ thị trường các nước FTA RCEP đạt 1,16 tỷ USD, tăng 50,3% về kim ngạch; Nhập khẩu rau quả từ thị trường các nước FTA CPTTP đạt 288,62 triệu USD, tăng 22% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Nhập khẩu rau quả 10 tháng năm 2022

(Theo số liệu công bố ngày 10/11/2022 của TCHQ)

ĐVT: USD

Kim ngạch xuất khẩu sang Australia tăng 32,3% trong 11 tháng năm 2022

Trong 11 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng trưởng mạnh, thể hiện trên nhiều ngành hàng thương mại nông nghiệp và công nghiệp khác nhau.

Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia trong 11 tháng năm 2022 tăng trưởng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 5,2 tỷ USD.

Trong đó, mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,4 triệu USD trong tháng 11/2022, tính chung 11 tháng đầu năm 2022 đạt 727,9 triệu USD, tăng 16,7%, chiếm 13,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là mặt hàng dầu thô, đạt 119,8 triệu USD, 11 tháng đạt 524,2 triệu USD, tăng 168,6%, chiếm 9,9% tỷ trọng xuất khẩu.

Tiếp đến là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 44,1 triệu USD trong tháng 11, 11 tháng đạt 513,8 triệu USD, tăng 61,4%, chiếm 9,7% tỷ trọng xuất khẩu.

Một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng trong 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép các loại tăng 104%; cà phê tăng 77%; dây điện và dây cáp điện tăng 95,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 54%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 47,1%.

Số liệu xuất khẩu sang Australia 11 tháng năm 2022

(Tính toán số liệu công bố ngày 11/12 của TCHQ)

Những thị trường tiềm năng cho cá tra xuất khẩu năm 2023

2,3 tỷ USD kết quả XK tính đến hết tháng 11 thể hiện một năm thành công của doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Và ngành cá tra có thể lạc quan với kỷ lục trên 2,4 tỷ USD năm 2022.

Tính đến hết tháng 11, XK cá tra sang tất cả các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng  2-3 con số nhờ nhu cầu và giá XK tăng. Tuy nhiên, tháng 11, lần đầu tiên kể từ đầu năm, XK cá tra đã bị sụt giảm so với cùng kỳ, là dấu hiệu tác động của lạm phát tại các thị trường.

Dự báo XK sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm mạnh vì đơn hàng giảm và kết quả năm 2023 khó duy trì được như năm 2022, nhất là Mỹ, EU. Tuy nhiên, DN cá tra vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh thị trường XK vì vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số thị trường hoặc khối thị trường.

Theo đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng NK. Nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Dự báo các phân khúc tiêu thụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ Tết nguyên đán năm nay. Trong số các thị trường NK cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số DNXK đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 DN Việt Nam có mặt hàng cá tra XK sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng XK cá tra.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2022, XK cá tra sang khối thị trường này đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng XK cá tra gần 2,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Trong đó, nổi trội nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị NK cá tra của toàn khối. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp XK cá tra của Việt Nam. Sau Covid, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2022, các nước ASEAN cũng chịu tác động của “3 cơn lốc” là việc hạn chế tại thị trường Trung Quốc do Covid, xung đột Nga – Ukraine và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, ASEAN vẫn tăng trưởng tốt hơn và chịu tác động lạm phát ít hơn.

Cùng với lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi vấn đề logistic, lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định FTA khu vực và song phương với Việt Nam, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp cá tra.

Top 4 thị trường trong khối ASEAN nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Phillippin, đều tăng từ 50 – 93% NK cá tra trong 11 tháng qua.

Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022 và 2023 và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. XK sang Trung Đông trong 11 tháng qua đạt 129 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối thị trường này chiếm gần 6% XK cá tra của Việt Nam trong năm 2022.

Top 3 thị trường trong khu vực Trung Đông, NK nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Ai Cập, UAE và Arap Xê út. Trong đó, tăng bứt phá nhất là Arap Xê út với mức tăng 165% trong 11 tháng đầu năm.

Năm 2022, chiến sự Nga – Ukraine căng thẳng, nguồn cung dầu mỏ từ Nga hạn chế là cơ hội để các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Mặc dù cũng bị lạm phát cao nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước Trung Đông không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác. Đó là yếu tố để DN thuỷ sản Việt Nam đẩy mạnh XK sang Trung Đông.

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các DN cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.

Với những xu hướng thị trường này, kỳ vọng là các DN cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt nắm bắt cơ hội và lợi thế thị trường để giữ tăng trưởng XK trong năm 2023.

                     PTN - Tổng hợp

Số lượt xem: 152

Thống kê truy cập
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Công Thương
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: (0291) 3823848 - Fax: (0291) 3824890 
Email: sct@baclieu.gov.vn hoặc trungtamkhuyencongbl@gmail.com