Liên minh Á-Âu cấp lại hạn ngạch nhập khẩu thịt của Brazil với mức thuế bằng 0
Theo Bộ Nông nghiệp Brazil, Liên minh Kinh tế Á-Âu (UEA) mới thông qua việc cấp lại hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò và thịt lợn chế biến của Brazil với thuế suất bằng 0.
Khối Liên minh Kinh tế Á-Âu (UEA) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Trong đó, Nga được cấp hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn thịt bò của Brazil sẽ có hiệu lực trong cả năm 2022 và hạn ngạch 100.000 tấn thịt lợn có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022.
Khối UEA còn cung cấp hạn ngạch nhập khẩu tổng cộng 38.500 tấn thịt bò tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh từ Brazil cho các nước sau: Armenia 5.000 tấn, Kazakhstan 21.000 tấn, Kyrgyzstan 5.000 tấn và Belarus 7.500 tấn. Bên cạnh đó, còn cấp hạn ngạch 5.000 tấn thịt lợn đông lạnh cho Armenia và 7.000 tấn cho Kazakhstan và 20.000 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Belarus.
Hạn ngạch nhập khẩu mới được quy định trong Quyết định 116/2021 của Liên minh Á-Âu đã được thỏa thuận trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina tới Moscow vào tháng 11/2021. Sau chuyến công tác này, chính phủ Nga đã đồng ý cho phép nhập khẩu trở lại đối với 16 nhà máy chế biến thịt của Brazil, đặt tại 8 bang (Goiás, Mato Grosso do Sul, Mato Grosso, Pará, Rondônia, Rio Grande của miền Nam, Santa Catarina và São Paulo). Trong đó có 7 nhà máy chế biến thịt bò; 8 nhà máy chế biến thịt lợn và 1 nhà máy chế biến thịt lợn và gia cầm.
Trước kia, tất cả các nhà máy này đã được phép xuất khẩu sang Nga, nhưng đã bị đình chỉ từ năm 2017 do cáo buộc phát hiện ra chất cấm, chất tạo nạc ractopamine trong các sản phẩm thịt của Brazil. Năm 2018, chỉ có một số nhà máy đủ tiêu chuẩn được phép xuất khẩu trở lại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil - Tereza Cristina đã đàm phán vấn đề này với người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor), Sergey Dankvert, ngay lập tức, hai cơ sở kinh doanh thịt bò của Brazil được phép xuất khẩu trở lại.
Theo thông báo từ Cơ quan đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Brazil, vào ngày 25/11/2021 có 12 nhà máy thịt bò, thịt lợn và gia cầm khác của Brazil đã được xóa bỏ hạn ngạch.
Hai nhà máy nữa của Brazil có thể sẽ sớm được phép xuất khẩu thịt bò trở lại sang Nga. Với việc được phép xuất khẩu trở lại, hiện nay Brazil có 19 cơ sở thịt bò, 14 thịt lợn và 29 cơ sở gia cầm được phép xuất khẩu sang thị trường Nga, bên cạnh đó có 26 sản phẩm sữa được phép xuất khẩu sang Nga.
Xuất khẩu cá tra sang ASEAN đang phục hồi
Tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 94,2 triệu USD, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 cho tới nay, XK cá tra sang một số thị trường tiềm năng trong khu vực vẫn chưa thể phục hồi.
10 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN là Thái Lan vẫn giảm 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,6 triệu USD (chiếm 46,2% giá trị của toàn khối), tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philipines.
Trước đại dịch, Singapore, Malaysia là hai thị trường mới nổi và hấp dẫn với nhiều DN XK cá tra Việt Nam khi nhu cầu NK và tiêu thụ ổn định và tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu, năm 2020, hai đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 khiến hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mới đây, những nỗ lực chuyển đổi từ zero Covid-19 sang sống chung, các nước này cũng đang thận trọng mở cửa lại kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang lo lắng về biến thể Omicron. Các chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo rằng, kể từ đầu năm 2022, Singapore là quốc gia có tốc độ phục hồi và ổn định nhanh nhất khu vực và là cơ hội tốt để các DN thúc đẩy XK sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 10/2021, giá trị XK cá tra sang Singapore đạt 20,6 triệu USD, giảm 29,4%; XK sang Malaysia đạt 15,2 triệu USD, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi một số nước NK lớn cá tra trong khu vực giảm NK cá tra thì Philippines và Indonesia là hai thị trường đáng chú ý trong năm nay. 10 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Philippines tăng 33,3%, đạt 14 triệu USD; XK cá tra sang Indonesia cũng đang trăng trưởng nhanh chóng.
Cho tới nay, các DN XK cá tra tại ĐBSCL vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến cho toàn bộ tâm sức của các nhà máy tập trung cho phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất. Các chi phí sản xuất tăng cao, cước phí vận chuyển tăng kéo theo giá XK cũng buộc phải điều chỉnh. Do đó, để gia tăng XK, các DN cần chủ động kiểm soát được dịch bệnh để tiếp tục quay trở lại tăng cường XK sang các thị trường lân cận nhu cầu đang phục hồi.
PTN - Tổng hợp