USDA: Sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới năm 2021/22 dự báo cao kỷ lục
USDA dự báo sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới sắp lập kỷ lục cao, nhưng nhập khẩu có thể giảm xuống.
Sản lượng
Trong báo cáo tháng 10/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2021/22 sẽ cao kỷ lục, với 507,9 triệu tấn (quy xay xát), tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo tháng trước và cao hơn 1,7 triệu tấn so với sản lượng niên vụ trước. Trong đó, USDA nâng dự báo về sản lượng gạo của Ấn Độ, Panama, Senegal và Hàn Quốc so với dự báo tháng trước, nhưng hạ dự báo về sản lượng của Ai Cập và Mỹ. So với niên vụ trước, dự báo sản lượng của Argentina, Australia, Bangladesh, Miến Điện, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển ngà, Guinea, Guyana, Mali, Mexico, Nicaragua, Niger, Nigeria, Senegal, Hàn Quốc, Paraguay, Peru, Thái Lan, Uganda và Uruguay chiếm phần lớn mức tăng sản lượng dự kiến trong năm 2021/22, trong đó Trung Quốc và Thái Lan tăng mạnh nhất. Ngược lại, sản lượng dự báo sẽ giảm so với năm trước ở Colombia, Ecuador, Ai Cập, EU, Iraq, Kazakhstan, Madagascar, Philippines, Nga, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và Ai Cập được dự báo sẽ có sự sụt giảm sản lượng nhiều nhất trong năm 2021/22.
Thương mại
Thương mại gạo toàn cầu trong niên lịch 2022 được dự báo là 48,0 triệu tấn (quy xay xát), tăng 0,36 triệu tấn so với dự báo trước đó, nhưng thấp hơn 0,2 triệu tấn so với mức gần kỷ lục của năm trước đó. Phần lớn sự suy giảm thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh sẽ giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2022 dự kiến giảm 2,25 triệu tấn so với mức cao kỷ lục của năm 2021 xuống 16,5 triệu, nhưng đó vẫn là mức cao kỷ lục thứ hai. Xuất khẩu của Mỹ dự báo sẽ giảm 2,5% vào năm 2022 xuống 2,88 triệu tấn do nguồn cung bị ít đi dẫn đến giá cao hơn. Trái lại, xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tăng ở một số thị trường như: Australia, Brazil, Myanmar, Campuchia, EU, Pakistan, Paraguay, Thái Lan và Uruguay, trong đó xuất khẩu của Thái Lan được dự báo sẽ tăng nhiều nhất, tăng 0,9 triệu tấn lên 6,5 triệu.
Nhập khẩu
Nhập khẩu gạo năm 2022 dự báo sẽ giảm ở các thị trường: Australia, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Nam Phi và Việt Nam. Đáng chú ý, nhập khẩu của Bangladesh dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu tấn xuống còn 0,5 triệu tấn, của Trung Quốc giảm 0,3 triệu tấn xuống còn 3,6 triệu tấn, và của Việt Nam giảm 0,7 triệu tấn từ mức cao kỷ lục của năm 2021 xuống 0,5 triệu tấn năm 2022.
Ngược lại, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 ở các thị trường: Angola, Colombia, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, EU, Iran, Iraq, Kenya, CHND Triều Tiên, Madagascar, Mozambique, Nepal, Nigeria, Qatar, và Mỹ.
Tiêu thụ
Tiêu thụ và thất thoát gạo toàn cầu năm 2021/22 dự kiến đạt mức kỷ lục 512,1 triệu tấn, giảm 2,2 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 10,1 triệu tấn so với năm trước. Ấn Độ chiếm phần lớn trong mức giảm dự báo về tiểu thụ và thất thoát gạo đưa ra vào tháng này. Tiêu thụ và thất thoát gạo của Mỹ năm 2021/22 dự báo giảm 0,2 triệu tấn xuống 4,6 triệu tấn, do sản lượng giảm và nguồn cung thắt chặt.
Dự báo tiêu thụ và thất thoát gạo năm 2021/22 của Ấn Độ sẽ giảm 3,0 triệu tấn xuống còn 105,0 triệu tấn, song vẫn cao hơn 2% so với năm 2020/21 và là mức cao kỷ lục. Việc điều chỉnh giảm dự báo về tiêu thụ gạo của Ấn Độ năm 2021/22 là do điều chỉnh giảm số liệu về dự trữ gạo của nước này trong năm 2020/21. Sau khi xuất khẩu gạo hàng tháng của Ân Độ tăng vọt trong 6 tháng cuối năm 2019/20, các nhà xuất khẩu bắt đầu tích trữ gạo nhiều hơn mức bình thường để có đủ lượng gạo giao cho khách hàng trong tương lai. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường phân phối gạo miễn phí hoặc gạo giá rẻ cho nhân dân trong giai đoạn 2019-2020 để đối phó với đại dịch Covid-19. Ban đầu, những người được cấp phát gạo tiêu thụ hết ngay lượng gạo bổ sung. Tuy nhiên, dữ liệu dự trữ hiện tại cho thấy người tiêu dùng đã trữ lại một phần trong số đó, vì vậy làm tăng mức độ tồn kho trong giai đoạn 2020/21. Do đó, tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ đã được điều chỉnh giảm kể từ năm 2019/20 để phản ánh lượng dự trữ cao hơn, với mức tiêu thụ thất thoát trong năm 2020/21 giảm 4,3 triệu tấn xuống 102,7 triệu và tiêu thụ và thất thoát năm 2019/20 giảm 4,0 triệu tấn xuống 102,0 triệu tấn. Dự trữ gạo Ấn Độ hiện đạt mức cao kỷ lục.
So với năm trước, Trung Quốc chiếm phần lớn trong tổng mức tăng dự kiến về tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2021/22, với tổng tiêu thụ gạo của nước này dự báo tăng 5,4 triệu tấn lên 155,7 triệu tấn. Việc sử dụng gạo thức ăn chăn nuôi và công nghiệp chiếm gần như tất cả mức tăng dự kiến về tiêu thụ gạo của nước này năm 2021/22
Tiêu thụ gạo của Ấn Độ dự kiến cũng tăng 2,3 triệu tấn so với năm trước lên kỷ lục cao, 105,0 triệu tấn, mặc dù số liệu dự báo đưa ra trong tháng 10 giảm so với số đưa ra vào tháng 9.
Tồn trữ
Tồn trữ gạo toàn cầu cuối năm 2021/22 dự báo là 181,8 triệu tấn, tăng 11,7 triệu so với dự báo trước đó nhưng giảm 4,2 triệu tấn so với mức dự trữ cao kỷ lục lúc đầu niên vụ. năm. Ấn Độ chiếm phần lớn mức điều chỉnh tăng dự báo về tồn trữ gạo thế giới tỏng tháng này. Với 34,5 triệu tấn, tồn trữ gạo cuối năm 2021/22 của Ấn Độ tăng 11,6 triệu so với dự báo trước đó và không thay đổi so với mức cao kỷ lục của năm trước. Ngược lại, dự báo tồn trữ gạo năm 2021/22 của Mỹ sẽ giảm 0,1 triệu tấn xuống 1,1 triệu, giảm 0,3 triệu so với một năm trước đó.
Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm dự kiến tồn trữ gạo toàn cầu cuối năm 2021/22, với tồn trữ của nước này dự kiến giảm 5,5 triệu tấn xuống còn 111,0 triệu tấn.
Tỷ lệ sử dụng – dự trữ gạo toàn cầu năm 2021/22 dự đoán là 35,5%, thấp hơn chút ít so với mức kỷ lục 37,0% vào năm 2020/21.
Dự báo về thị trường gạo thế giới năm 2021/22
Gạo quy xay xát; ĐVT: nghìn tấn; năm marketing tùy thuộc mỗi thị trường)

Dự báo thị trường thịt bò thế giới năm 2022 và năm 2023
Theo Báo cáo mới nhất của Rabobank về thị trường thịt bò quý 4/2021 và dự báo năm 2022. Mỹ sẽ vẫn là nhà sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và nhập khẩu thịt bò lớn.
Thị trường thịt bò toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ khan hiếm do sản lượng thịt bò của Mỹ giảm. Mặc dù sản lượng và nhu cầu nội địa tăng mạnh, Mỹ sẽ tăng xuất khẩu thịt bò từ 2 - 4% vào năm 2022
Đại dịch Covid tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới, các ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại vào cuối tháng 10/2021 và tăng mạnh tại châu Âu. Một số nước đã đưa ra các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn sự bùng phát của Covid, chính sách Zero- Covid của Trung Quốc cũng hạn chế nhiều kênh dịch vụ, trong đó có ngành dịch vụ ăn uống. Nếu các biện pháp phòng chống Covid không thành công, tiêu thụ thịt bò dự kiến sẽ giảm ở một số ngành dịch vụ thực phẩm trong những tháng tới.
Trung Quốc tiếp tục cấm nhập khẩu thịt bò của Brazil sau khi phát hiện hai trường hợp bệnh não xốp ở bò (BSE) vào tháng 9/2021, giá thịt bò Brazil giảm mạnh do xuất khẩu khó khăn.
Do tình hinh đầu tư vào ngành vận tải biển và container năm 2019 giảm, sự mất cân bằng thị trường trong năm 2020 và năm 2021, đồng thời tắc nghẽn và hủy chuyến đã tiếp tục đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao nhất trong quý 3/2021. Rabobank dự đoán gián đoạn vận chuyển toàn cầu sẽ tiếp tục trong 2022 và do đó chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container sẽ vẫn ở mức cao.
Thị trường thịt bò toàn cầu năm 2022 tiếp tục khan hiếm, đặc biệt do sự thu hẹp ngành chăn nuôi bò ở Mỹ. Rabobank dự báo điều này sẽ gây căng thẳng cho các thị trường đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu thịt bò.
Năm 2019 tổng đàn bò của Mỹ đạt đỉnh là 98,4 triệu con, sau đó sự sụt giảm mạnh vào năm 2021 do kinh tế khó khăn và hạn hán trên khắp miền Tây nước Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng giết mổ bò thịt đã tăng 10% và lượng giết mổ bò sữa đã tăng 2%. Lượng giết mổ tăng sẽ khiến sản lượng thịt bò của Mỹ giảm 2,5% vào năm 2022. Tình trạng hạn hán mặc dù đã giảm ở một số khu vực, nhưng vẫn là mối lo ngại trong mùa chăn nuôi năm 2022. Nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi bị hạn chế, trong đó giá cỏ khô linh lăng tăng lên hơn 200 USD/tấn và cỏ khô khác 188 USD/tấn.
Thị trường thịt bò năm 2022 sẽ khan hiếm, Rabobank tuyên bố đây có thể chỉ là sự khởi đầu của một sự kiện lớn hơn vào năm 2023. Với việc giết mổ bò của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và sản lượng dự kiến tiếp tục giảm cho đến năm 2023 hoặc xa hơn, cộng với nguồn cung xuất khẩu từ Australia hạn hẹp, thị trường thịt bò toàn cầu đang có xu hướng khan hiếm. Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu thịt bò và nhu cầu nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ổn định, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ ngày càng tăng, đây là cơ hội cho Brazil tăng cường xuất khẩu. Nếu điều này không xảy ra, các nhà sản xuất thịt bò có thể sẽ rơi vào tình trạng nghiêm trọng hơn vào cuối năm 2022.
Dự báo thị trường Mỹ
Rabobank dự báo thị trường thịt bò Mỹ năm 2022 ổn định. Giá bán lẻ thịt bò các loại tại Mỹ trong tháng 10/2021 đạt trung bình ở mức kỷ lục 7,55 USD/Lb và riêng thịt bò chọn lọc đạt 7,9 USD/Lb; giá tăng do nhu cầu bán lẻ tăng và việc mở cửa trở lại của các nhà hàng, xuất khẩu tiếp tục tăng cao.
Giá thịt bò sau khi ổn định ở mức 120 - 125 USD/CWT ở phần lớn các tháng trong năm và cuối cùng đã vượt qua ngưỡng đó và có xu hướng tăng từ cuối tháng 8/tháng 9 trước khi đạt đỉnh. Giá trên sàn CME ổn định ở mức 155 USD/CWT kể từ giữa tháng 9/2021, sau đó tăng mạnh do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nguồn cung ngô làm thức ăn gia súc dự kiến cho năm tới dự kiến sẽ giảm. Nguồn cung bò thịt hiện đang dồi dào do bò được xuất chuồng vào cuối mùa thu. Việc giết mổ bò thịt tăng trong năm 2021 sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung vào cuối năm 2022 và năm 2023.
Giá thịt lợn tại thị trường EU ổn định ở mức thấp
Ban Phát triển Nông nghiệp Vương Quốc Anh (AHDB) cho biết, giá lợn tại thị trường EU đang tương đối ổn định, nhưng vẫn ở mức thấp.
Ông Rebecca Wright - Chuyên gia về ngành thịt của AHDB cho biết, so với mức giá trong 4 tuần trước, giá thịt lợn trung bình tại thị trường EU đã giảm hơn 1 Euro/100kg và vẫn ổn định trong ba tuần qua. Trong tuần kết thúc vào ngày 21/11/2021, giá ở mức 128,58 Euro/100kg.
Nhu cầu xuất khẩu vẫn chậm chạp mặc dù có một số lạc quan rằng Trung Quốc có thể sớm tăng nhập khẩu nhiều thịt hơn; nhu cầu của EU cũng có thể tăng nhẹ do đang bước vào kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, sản lượng thịt của Vương quốc Anh dường như vẫn tăng mạnh. Nhưng số lượng lợn trong các trang trại chăn nuôi ít hơn hồi tháng 6/2021, do đó dự báo có thể nguồn cung sắp tới sẽ giảm.
Tây Ban Nha, trái ngược với nhiều quốc gia khác, đàn lợn đã tăng trong mùa hè, cho thấy nguồn cung dồi dào, giá giảm mạnh nhất (giảm 4 Euro/100kg). Tại các thị trường Đức, Hà Lan và Ba Lan giá cả ổn định.
PTN - Tổng hợp