Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0: “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”
Ngày 6/12, phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ Ba, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong kỷ nguyên số” đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới gần 100 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu
Chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu có đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Diễn đàn cấp cao là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, KT-XH, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách CNH-HĐH nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn hậu Covid-19.
Tham luận tại Diễn đàn, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi tập trung vào 2 nhóm nội dung: Đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động, đặc biệt nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện song song chương trình phục hồi, phát triển KT - XH và chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Hai chương trình này phải gắn chặt, tác động hỗ trợ lẫn nhau, có sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực để thực hiện các chính sách liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người; người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế. Phát triển chuyển đổi số, công nghệ số, kỷ nguyên số thì phải có xã hội số, công dân số. Đối với thể chế, phải tập trung tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc, dự báo tình hình để hoàn thiện thể chế phù hợp với những vấn đề mới đặt ra. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẠC LIÊU